Ba mẹ sẽ nghĩ gì khi mình bị té, bị thất bại mà người mình yêu thương, tin tưởng nói với mình câu này “Ai biểu không cẩn thận, tự đứng dậy đi, cho chừa”? Sẽ là một tổn thương từ bên trong và lưu giữ rất lâu. Ở một đứa trẻ nó sẽ lưu giữ vào tiềm thức đi cùng con suốt cuộc đời con nếu như ba mẹ cứ nghĩ như thế là giúp con tự lập. Phải chăng các bậc cha mẹ đang đánh đồng giữ việc dạy con tự lập và bỏ mặc con là một. Chúng tôi xin phân tích vấn đề này để cha mẹ sáng suốt lựa chọn phương pháp giúp con tự lập nhé
Dạy con tự lập có rất nhiều lợi ích
Đầu tiên phải kể đến những lợi ích mà ba mẹ nhìn thấy được. Đó chính là việc con tự làm được các công việc cơ bản của mình. Trẻ có thể tự mặc quần áo, tự tắm, đánh răng, rửa mặt, ăn uống,… chăm sóc cá nhân cơ bản của mình rồi con còn quét nhà, rửa chén, cho đồ vào máy giặt. Đỡ đần cha mẹ bao nhiêu là việc phải không nào?
Qua hoạt động đôi bàn tay, não bộ con được phát triển toàn diện hơn. Từ đó, con liên tưởng và học hỏi các học thuật khoa học được tốt hơn và ngược lại. Ví dụ như con có thể học đếm qua cách sắp xếp đồ đạc, học đong đo khi lường gạo để vo cơm, … Rất nhiều bài học hữu ích giúp con tiếp cận việc học ở lớp một cách dễ dàng hơn.
Con tự làm việc của mình cũng chính là đang rèn luyện lòng tự trọng của con. Lòng tự trọng xuất phát từ việc tự làm việc để phục vụ cho chính mình. Khi hoàn thành một công việc nào đó giúp con rèn luyện được lòng tự tin và can đảm hơn, sau đó con sẽ mạnh dạn thử và làm những việc mới hơn, khó hơn.
Cuối cùng, qua những công việc con biết được ba mẹ vất vả như thế nào? con sẽ nhận ra mỗi ngày có một lượng công việc đáng kể mà cha mẹ phải làm. Các công việc đó không hề dễ dàng nhỉ? nên con sẽ yêu thương cha mẹ và sống có trách nhiệm hơn, tự lập hơn
Dạy con tự lập không có nghĩa là bỏ mặc con
Một tình huống thường thấy hiện nay, một cậu bé chạy theo sau mẹ vô tình vấp ngã. Mẹ cậu quay lại nói một câu để cho cậu đứng lên như sau “Ai biểu không cẩn thận, tự đứng lên đi, cho đáng, không được khóc”. Cậu bé ngấn lệ khóc ấm ức, lọ mọ đứng dậy, vẫn nhìn về phía mẹ trong chờ một bàn tay vỗ về, an ủi. Phải chăng người mẹ kia đang nghĩ dạy con tự lập là bỏ mặc con như thế?
Trẻ càng không tự lập ba mẹ càng bỏ mặc con để con tự lập hơn. Con không chịu thì bỏ đi, không quan tâm. Đây chính là cách mà nhiều cha mẹ đang làm để giúp con mình tự lập hơn. Con khóc thì tự nín, lau nước mắt. Con té thì tự đứng dậy. Con sai thì để tự con chịu phạt, nhận lấy bài học…
Theo thực tế thì các lời khuyên của chuyên lại hoàn toàn không phải như vậy, cách làm đó chưa đúng đắn trong việc hình thành tính tự lập cho con. Làm như vậy ba mẹ đang bỏ mặc con hơn là dạy con tự lập trong cuộc sống. Cách làm đó kéo dài vô tình gây ra tác động tâm lý tiêu cực trong trẻ như hoảng sợ, tự ti lì lợm, phản kháng và chống đối…Tệ hơn là con mất kết nối với cha mẹ, con cái “bất cần” cha mẹ và kéo theo những biểu hiện lệch lạc về sau.
Dạy con tự lập như thế nào là đúng?
Các chuyên gia giáo dục đã có một chỉ dẫn mang tính mấu chốt dành cho cha mẹ là: Dạy con tự lập là cách cha mẹ hướng dẫn và đặt lòng tin vào việc con có thể làm được, chứ không phải là “bỏ mặc con”. Không phải chiều là khổ hạnh, không phải bỏ bê là tự lập mà chính nhận thức trẻ trưởng thành mới giúp trẻ hình thành thói quen tự lập.
Trong tình huống lúc nảy, cha mẹ có thể đỡ con rồi phân tích xem vì sao con té, hướng dẫn con cách tự đứng dậy. Nói với con lần sau cẩn thận hơn và nếu ngã con đã biết cách tự đứng dậy rồi phải không? Nếu đang lỡ tay không giúp con được thì hãy hướng dẫn cách con đứng dậy và động viên con. Con thử chống tay ngồi dậy xem? nếu không được con vịn vào cái gì đó? có rất nhiều câu nói dễ chịu hơn nhưng câu nói lúc nảy phải không?
Dạy con tự lập bằng cách hướng dẫn, động viên khích lệ và kiên nhẫn với con từ những việc nhỏ nhất. Nếu như con đã tự xúc ăn được nhưng hôm nay con muốn mẹ xúc cho con ăn vì nũng nịu thì mẹ chớ vội từ chối nhé. Hãy cho con biết “Con tự xúc ăn rất tốt rồi, hôm nay mẹ giúp con vì mẹ yêu con nhé”.
Một điều quan trọng cha mẹ cần lưu ý trong quá trình dạy con tự lập là hãy lắng nghe con. Việc lắng nghe và quan sát hành động của con là việc làm cần thiết để kết nối sợi dây yêu thương với con cái. Hãy dạy con tự lập bằng tình yêu thương và tiếp nhận phương pháp giáo dục khai phóng, cha mẹ sẽ là điểm bắt đầu cho một thế hệ công dân toàn cầu cho tương lai của chúng ta sau này.
Nguyễn Thị Thùy Loan – Founder hệ thống mầm non Lucasta
Điện Thoại: 037 456 8232
https://www.facebook.com/loanluca.lucasta/
Email: thuyloan1706@gmail.com
Thông tin về Loan: https://nguyenthithuyloan.com/